Năm tháng đã đi qua, nhưng ký ức về một thời hào hùng “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước, mà lòng phơi phới dậy tương lai” vẫn còn vẹn nguyên trong tâm trí mỗi người lính từng tham gia chiến đấu giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Những cựu chiến binh đã từng tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh ôn lại kỷ niệm chiến thắng 30-4 lịch sử. |
Cắt ngắn nòng pháo, tiếp tục chiến đấu
Ông Nguyễn Cao Đà, xóm 2 Nghĩa Xá, xã Xuân Ninh (Xuân Trường) nguyên Đại đội phó kỹ thuật, Tiểu đoàn 21, Trung đoàn 26, Bộ Tư lệnh Thiết giáp miền Đông Nam Bộ vẫn còn nhớ mãi những kỷ niệm chiến đấu khi tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh. Ông Đà nhớ lại: Trước khi bước vào Chiến dịch Hồ Chí Minh, Tiểu đoàn 21 và các đơn vị phối thuộc của chúng tôi được lệnh đánh vào huyện Di Linh (Lâm Đồng). Trong trận chiến đấu này, một thiết giáp của chúng tôi bị trúng đạn, đầu nòng pháo bị tõe ra như hoa muống. Theo diễn biến của chiến dịch, chiếc xe này phải chuyển làm xe dắt. Với nhiệm vụ được giao phụ trách kỹ thuật, tôi đã đề nghị cấp trên cho sửa nòng pháo để tiếp tục chiến đấu. Ban đầu, chúng tôi cắt ngắn nòng pháo đi khoảng 1 mét, chỉ còn lại khoảng 4 mét, nhưng khi chạy thử thì xe không cân, đầu pháo giật. Chúng tôi đã tận dụng xích sắt hỏng để bó đầu nòng lại và bắn thử nhằm kiểm tra độ an toàn của nòng pháo; buộc dây vào cò giật, tiếp đạn và ròng dây ngoài xa nhưng bắn không được. Đến lúc này phải có một người chấp nhận hy sinh để vào khoang lái điều khiển, bắn đạn. Tôi suy nghĩ và quyết định nhận nhiệm vụ. Bắn quả đạn đầu tiên, chúng tôi không thấy có hiện tượng gì lạ. Bắn tiếp quả đạn thứ 2, chúng tôi biết mình đã thành công.
Sau khi chuẩn bị xe pháo, khí tài, chiều ngày 8-4-1975, đơn vị chúng tôi được lệnh tiến đánh phòng tuyến Xuân Lộc (Đồng Nai) thuộc tỉnh Long Khánh (cũ). Thị xã Xuân Lộc là một khu vực phòng ngự trọng yếu của địch, có nhiệm vụ bảo vệ Sài Gòn từ phía đông và chặn 2 đường tiến quân của ta về Sài Gòn là Quốc lộ 1 và đường 20. Địch bố trí ở đây một lực lượng rất mạnh gồm Sư đoàn 18, Lữ đoàn kỵ binh thiết giáp số 3, một bộ phận của Sư đoàn 5 và các tiểu đoàn pháo trực thuộc, liên đoàn biệt động quân khu 3, cùng một số liên đoàn biệt động quân khu 1 và 2, lại vừa được tăng cường thêm 1 lữ đoàn dù... Cuộc chiến đấu diễn ra rất ác liệt, quân ta phải đánh kéo giãn địch, buộc chúng phải phân tán lực lượng. Sau nhiều ngày đêm chiến đấu, ngày 21-4, địch rút chạy. Phòng tuyến Xuân Lộc bị quân ta chiếm giữ. Đơn vị chúng tôi tiếp tục tiến đánh Dầu Giây, Ông Đồn, Trảng Bom, đánh vào trọng điểm Hố Nai, đánh theo trục Quốc lộ 1 qua ngã tư Suối Máu vào sân bay Biên Hoà. Một bộ phận đơn vị được lệnh ở lại chốt giữ sân bay Biên Hoà. Còn chiếc xe hàn nòng pháo tiếp tục theo đoàn quân tiến sâu về giải phóng Sài Gòn và lập được nhiều chiến công.
Ký ức ngày giải phóng
Nhắc đến kỷ niệm về ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, ông Nguyễn Đăng Khoa, năm nay gần 80 tuổi, nguyên Trợ lý tuyên huấn, Sư đoàn 325, Quân đoàn 2 tự hào, xúc động. Ông Khoa chia sẻ: Tháng 8-1971, khi đó đang là giáo viên Trường cấp 2 xã Xuân Hồng (nay là Trường THCS Đặng Xuân Khu), ông được lệnh tổng động viên cùng với bao lớp thanh niên, bạn bè gác bút nghiên lên đường đánh giặc ở khắp chiến trường từ Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Buôn Ma Thuột và trực tiếp tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh, giải phóng miền Nam. Sau những trận chiến đấu ác liệt, cam go, với nhiều chiến công, thành tích, ông được cấp trên tin tưởng giao những trọng trách quan trọng như Trung đội trưởng, Đại đội phó rồi Chính trị viên phó Đại đội 6, Trung đoàn 95, Sư đoàn 325. Năm 1975, trước Chiến dịch Hồ Chí Minh, ông được luân chuyển, điều động lên Trợ lý tuyên huấn, Sư đoàn 325. Theo kế hoạch tác chiến được Bộ Chỉ huy chiến dịch thông qua, Sư đoàn 325 được lệnh theo hướng Đông Nam phối thuộc với Sư đoàn 304 và Sư đoàn 3 (Quân khu 5) đánh địch với quyết tâm “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”. Từ ngày 9 đến 21-4-1975, với sự hiệp đồng chặt chẽ giữa các mũi tiến công, Sư đoàn 325 đã tổ chức thực hiện thành công chiến dịch giải phóng Xuân Lộc, “mở toang” cánh cửa hướng Đông, tạo thuận lợi cho Quân đoàn 2 nhanh chóng cơ động vào đứng chân, thực hiện nhiệm vụ trên hướng Đông Nam. Đây có thể nói là mũi tiến công nhiều cam go nhất trên khắp các hướng tiến công của đơn vị.
Theo hướng mục tiêu, chỉ có hai trục đường chính dẫn vào nội đô Sài Gòn: Xa lộ Sài Gòn - Biên Hòa và Long Thành - Nhơn Trạch - Thành Tuy Hạ - Sài Gòn. Trên mỗi trục đường lại có nhiều cầu cống bắc qua sông. Đơn vị ông xác định, nếu không tranh thủ thời gian đánh nhanh, để địch phá hoại cầu đường, dựa vào các chướng ngại vật chống trả thì sẽ gặp nhiều khó khăn. Sau các trận “tử thủ” không thành, địch co cụm và dồn quân từ các nơi về bảo vệ Sài Gòn - Gia Định. Địch bố trí một lực lượng phòng ngự mạnh, gồm các Lữ đoàn lính thủy đánh bộ, biệt động quân, các tiểu đoàn bảo an, thiết đoàn xe tăng, xe bọc thép và hàng chục khẩu pháo lớn các loại. Nhằm đảm bảo hướng thứ yếu, theo nhiệm vụ được phân công, Sư đoàn 325 được giao là mũi đột kích quan trọng đánh vào chi khu Long Thành, chi khu Nhơn Trạch, Thành Tuy Hạ, Cát Lái. Theo đó, đơn vị ông đã tổ chức mũi đột kích mạnh chọc thủng tuyến phòng ngự của địch ở những nơi yếu và hiểm yếu; kết hợp đột phá chính diện với bao vây vu hồi, chia cắt, không cho địch rút chạy cả đường bộ, đường không, đường biển. Với sự hiệp đồng chặt chẽ giữa các đơn vị, Sư đoàn 325 đánh chiếm ngã ba Đường số 15, chi khu Long Thành; tiến công làm chủ chi khu Nhơn Trạch, Thành Tuy Hạ, áp sát Cát Lái. Đến sáng ngày 30-4, các cánh quân của ta được lệnh tổng công kích vào nội đô, đánh chiếm các cơ quan đầu não của chế độ Sài Gòn. Qua hệ thống thông tin liên lạc, ông được biết, lực lượng thọc sâu của các đơn vị Quân đoàn 2 phối hợp chặt chẽ với Đoàn đặc công 116 và lực lượng biệt động thành tổ chức đập tan các chốt chặn của địch, tiến vào đánh chiếm Dinh Độc Lập, bắt toàn bộ nội các chính quyền Trung ương địch, buộc chúng phải tuyên bố đầu hàng vô điều kiện. 11 giờ 30 phút cùng ngày, lá cờ cách mạng tung bay trên nóc Phủ Tổng thống ngụy, báo hiệu Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng. Trong chiến thắng đó, Sư đoàn 325, Quân đoàn 2 đã hiệp đồng tác chiến góp phần làm nên chiến thắng giải phóng hoàn toàn miền Nam.
Chiến tranh đã lùi xa gần 50 năm, nhưng ký ức về những năm tháng chiến đấu anh dũng, kiên cường vẫn vẹn nguyên trong tâm trí những cựu chiến binh từng tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giải phóng hoàn toàn miền Nam; đó luôn là niềm tự hào, nguồn cổ vũ, động viên những người lính năm xưa tiếp tục cống hiến sức mình xây dựng quê hương, đất nước./.
Bài và ảnh: Hoàng Tuấn