Liên hợp quốc đạt được thành tựu nổi bật nào trong các lĩnh vực nào?

admin

Sự ra đời của Liên hợp quốc năm 1945 phản ánh khát vọng chung của nhân dân các nước về một thế giới hòa bình, an ninh và phát triển sau những nỗi kinh hoàng của Chiến tranh thế giới thứ hai. Theo Hiến chương Liên hợp quốc, các quốc gia đã trao cho tổ chức này vai trò là trung tâm điều hòa các nỗ lực quốc tế để thực hiện các mục tiêu chung là duy trì hòa bình và an ninh quốc tế; thúc đẩy quan hệ hữu nghị giữa các quốc gia; thúc đẩy hợp tác giải quyết các vấn đề quốc tế về kinh tế, xã hội, văn hóa, nhân đạo trên cơ sở tôn trọng các quyền và phẩm giá con người.

Đến nay, Liên hợp quốc đã trở thành tổ chức toàn cầu rộng rãi nhất với sự tham gia của hầu như toàn bộ các quốc gia độc lập của hành tinh. Vai trò và hoạt động của Liên hợp quốc được mở rộng về mọi mặt, nỗ lực hoạt động hướng tới thực hiện các tôn chỉ, mục đích đã được đề ra, qua đó đem lại những tác động tích cực, to lớn đến đời sống quốc tế và từng dân tộc.

Từ  51 quốc gia thành viên khi được thành lập, Liên hợp quốc hiện có 193 quốc gia thành viên và trở thành một hệ thống toàn diện gồm 6 cơ quan chính, nhiều cơ quan phụ trợ, 20 tổ chức chuyên môn và 5 Ủy ban Kinh tế-Xã hội đặt ở các khu vực, hàng chục quỹ và chương trình, hoạt động trên tất cả các lĩnh vực từ giải quyết và ngăn ngừa xung đột, giải trừ quân bị và không phổ biến vũ khí hạt nhân, chống khủng bố, bảo vệ người tị nạn, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững, cho đến thúc đẩy dân chủ, nhân quyền, bình đẳng giới, phát triển kinh tế và xã hội…

Với những thành tựu quan trọng đã đạt được, Liên hợp quốc đã được cộng đồng quốc tế thừa nhận là tổ chức toàn cầu có vai trò hết sức quan trọng trong đời sống chính trị quốc tế và là nền tảng không thể thiếu cho một thế giới hòa bình, thịnh vượng và công bằng hơn. Những đóng góp chính của Liên hợp quốc trong thời gian qua là:

Trong lĩnh vực hòa bình và an ninh quốc tế: Đóng góp lớn nhất của Liên hợp quốc trong 75 năm qua là đã góp phần ngăn chặn không để xảy ra một cuộc chiến tranh thế giới mới, hỗ trợ giải quyết nhiều cuộc xung đột và tranh chấp quốc tế mà minh chứng rõ nét là Liên hợp quốc đã triển khai 71 phái bộ gìn giữ hòa bình để giúp chấm dứt xung đột, khôi phục hòa bình, hỗ trợ công cuộc tái thiết ở nhiều quốc gia thành viên.

Trong thời kỳ chiến tranh lạnh, Liên hợp quốc đóng vai trò hạn chế trong các vấn đề hòa bình và an ninh quốc tế do tác động của quan hệ Liên Xô-Hoa Kỳ. Tuy nhiên, Liên hợp quốc đã góp phần giải tỏa cuộc khủng hoảng tên lửa năm 1962, chiến tranh Trung Đông năm 1973. Trong những năm 1990, các hoạt động của Liên hợp quốc đã góp phần chấm dứt các cuộc xung đột kéo dài như ở Campuchia, El Salvador, Goatemala, Mozambique. Liên hợp quốc đã triển khai 74 hoạt động gìn giữ hòa bình ở nhiều khu vực trên thế giới. Mặc dù gặp phải một số thất bại và khó khăn, các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc đã có vai trò quan trọng trong việc lập lại hòa bình, chấm dứt xung đột và hỗ trợ cho tiến trình tái thiết ở nhiều quốc gia thành viên.

Ngày 10/12/2001, Tổng Thư ký Kofi Annan (phải) và Liên hợp quốc đã vinh dự được nhận giải thưởng Nobel Hòa bình. (Ảnh: TTXVN)

Ngày 10/12/2001, Tổng Thư ký Kofi Annan (phải) và Liên hợp quốc đã vinh dự được nhận giải thưởng Nobel Hòa bình. (Ảnh: TTXVN)

Với những hoạt động kể trên, lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc đã được trao tặng Giải thưởng Hòa bình Nobel vào năm 1988, sau đó Liên hợp quốc và Tổng Thư ký Kofi Annan được tặng Giải thưởng này vào năm 2001.

Liên hợp quốc cũng đã thành công trong việc thúc đẩy quá trình phi thực dân hóa. Hiến chương Liên hợp quốc ngay từ đầu đã đề ra những nguyên tắc định hướng cho những nỗ lực phi thực dân hóa của Liên hợp quốc, đặc biệt là nguyên tắc tôn trọng quyền tự quyết của các dân tộc, và thành lập Hội đồng Quản thác để theo dõi các vùng lãnh thổ không tự quản.

Năm 1960, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua Tuyên bố về việc trao độc lập cho các quốc gia và dân tộc thuộc địa, năm 1962 thành lập Ủy ban đặc biệt về phi thực dân hóa để giám sát việc thực hiện Tuyên bố, năm 1990 quyết định giai đoạn 1990-2000 là Thập niên quốc tế về xóa bỏ chủ nghĩa thực dân, và tiếp đó năm 2001 thông qua giai đoạn 2001-2010 là Thập niên quốc tế thứ hai về xóa bỏ chủ nghĩa thực dân.

Nhờ những nỗ lực đó, 750 triệu người, chiếm gần 1/3 dân số thế giới, sống ở các vùng lãnh thổ không tự quản vào năm 1945 khi Liên hợp quốc được thành lập đến nay đã trở thành 80 quốc gia độc lập. Chính những nỗ lực phi thực dân hóa này đã làm thay đổi Liên hợp quốc với sự gia tăng đáng kể số lượng thành viên từ 51 nước ban đầu lên 193 nước hiện nay.

Liên hợp quốc đã soạn thảo và xây dựng được một hệ thống các công ước quốc tế về giải trừ quân bị, trong đó có Hiệp ước Cấm phổ biến vũ khí hạt nhân (1968), Hiệp ước Cấm thử hạt nhân toàn diện (1996), Công ước Cấm vũ khí hóa học (1992) và Công ước Cấm vũ khí sinh học (1972), Công ước Cấm vũ khí hạt nhân (2017) tạo ra khuôn khổ pháp lý cho việc ngăn chặn phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, tiến tới xóa bỏ hoàn toàn các loại vũ khí này. Mặc dù vậy, nỗ lực của Liên hợp quốc về giải trừ quân bị vẫn gặp nhiều khó khăn, đôi khi bế tắc, do chạy đua vũ trang còn diễn biến phức tạp cùng với những toan tính chiến lược về quân sự, chính trị và sự bất ổn của môi trường an ninh quốc tế.

Trong lĩnh vực phát triển: Liên hợp quốc với hệ thống các chương trình, quỹ trực thuộc, các tổ chức chuyên môn và các tổ chức liên chính phủ gắn với Liên hợp quốc đã đạt được nhiều thành tựu trong việc nâng cao đời sống của người dân và tạo điều kiện thuận lợi cho những tiến bộ về kinh tế và xã hội trên toàn thế giới.

Liên hợp quốc đã đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng sự đồng thuận quốc tế trong những nỗ lực thúc đẩy phát triển. Từ năm 1960, Ðại hội đồng Liên hợp quốc đề ra các chiến lược phát triển cho từng thập kỷ nhằm huy động hợp tác quốc tế cho các mục tiêu phát triển chung, nhất là ở các nước đang phát triển; bên cạnh đó, các tổ chức Liên hợp quốc đã có sự hỗ trợ trực tiếp về vốn, tri thức cho các nỗ lực phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục và y tế của các nước này.

Tại Hội nghị Thượng đỉnh thiên niên kỷ (9/2000), các nhà lãnh đạo thông qua Các Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ nhằm xóa bỏ đói nghèo, thúc đẩy giáo dục, bình đẳng giới, giảm tỷ lệ tử vong trẻ em, cải thiện sức khỏe bà mẹ, phòng chống HIV/AIDS và các bệnh truyền nhiễm khác, bảo đảm bền vững về môi trường, và tăng cường quan hệ đối tác phát triển.

Với việc lãnh đạo các nước thông qua Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững và Các Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) vào tháng 9/2015, cộng đồng quốc tế đã đề ra một khuôn khổ hợp tác phát triển cho đến năm 2030 (thay cho Các Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ) có tính bao trùm và toàn diện hơn, lấy phát triển bền vững là định hướng xuyên suốt gồm ba trụ cột kinh tế, xã hội và môi trường.

Trong lĩnh vực bảo đảm, thúc đẩy quyền con người, thông qua các nỗ lực của Liên hợp quốc, các quốc gia đã xây dựng và ký kết nhiều điều ước quốc tế quan trọng nhằm xây dựng một thế giới an toàn hơn và công bằng hơn cho tất cả mọi người. Năm 1948, Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua Tuyên ngôn Nhân quyền, đưa ra những quyền và tự do cơ bản của con người. Văn kiện này đã làm cơ sở cho việc ra đời hơn 80 công ước và tuyên bố quốc tế về quyền con người, trong đó Công ước về quyền kinh tế, xã hội và văn hóa và Công ước về quyền dân sự và chính trị. Liên hợp quốc cũng chú trọng việc bảo đảm thực hiện những quyền cơ bản này của người dân trên toàn thế giới. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, vấn đề nhân quyền bị chính trị hóa, lợi dụng cho các mục đích can thiệp công việc nội bộ của các quốc gia.

Trong lĩnh vực tăng cường luật pháp quốc tế, Liên hợp quốc đã có những đóng góp to lớn trong việc pháp điển hóa và phát triển luật pháp quốc tế, đưa ra khuyến nghị định hướng cho các chủ đề của luật pháp quốc tế và xây dựng chuẩn mực cho các lĩnh vực chuyên môn khác nhau. Hơn 500 điều ước quốc tế đa phương quan trọng trong nhiều lĩnh vực đã được ký kết, tạo khuôn khổ chung cho việc duy trì hòa bình và an ninh quốc tế, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.